Famicom - Một thời để nhớ

15 Apr 2014

Lằng nhà lằng nhằng mãi mới đặt ngón để gõ. Cơ bản là lười. Nhiều lúc nghĩ nhai lại những cái cũ cũng vui, nhưng mà thời gian cho những cái mới còn chưa chắc dư thừa, hơn nữa bản tính tham lam, mỗi lần ôn lại cái cũ lại muốn càng nhiều chi tiết, càng rõ ràng càng tốt. Thế nên cơ bản nữa là nếu viết thì cũng dài.

Chỉ là bất chợt một ngày dọn dẹp đồ đạc trong nhà thì bắt gặp cái máy điện tử, một buổi tối ngồi lướt youtube nhảy đi nhảy lại giữa những clip được gợi ý thì thấy có clip nhắc về một game thuở bé hay chơi, thế là muốn ôn lại.

Quen nhau từ thuở ấu thơ 🔗

Ngày đấy, cái thời mà trẻ con chạy nhảy chơi bắn bi, bổ quay,… với nhau trên những nền đất đầu xóm ngoài ngõ thì khái niệm trò chơi điện tử vẫn còn là một cái gì đấy cũng tương đối xa xỉ chứ đừng nói đến việc dắt nhau ra quán net ngồi lướt web, đánh Dota, LoL ,… như bây giờ. Chiếc máy Famicom (Family Computer) ở Nhật hay được biết đến với tên xuất ngoại là NES (Nintendo Entertainment System) về Việt Nam được mọi người gọi thân mật là “Điện tử băng” hay “Điện tử bốn nút” vì …game được lưu dưới dạng băng (game pak) cắm vào máy để chơi và tay cầm điều khiển đi kèm máy Tàu thường có bốn nút điều khiển chính (A-B và Turbo A-B). Sau này khi nhận ra rằng có rất nhiều hệ máy sử dụng băng và có controller với 4 nút chức năng chính thì khi nhắc đến “Điện tử băng” hay “Điện tử bốn nút” vẫn nhất quyết chỉ có thể là NES mà thôi.

Lúc đầu thường chỉ có 2, 3 nhà là có máy, tất cả bu vào chơi chung. Dần dà về sau thì cũng nhiều lên, rồi chuyền tay cho nhau chơi những băng điện tử đến chín mươi chín phần trăm là hàng lậu (cái này chả ảnh hưởng khỉ gì vì đến máy cũng thế thôi). Cái thì còn vỏ, cái thì trần truồng, số lượng game mỗi băng thì từ ít đến nhiều vô kể, các loại 69 in 1, 96 in 1, 9999 in 1,… thì thường là chỉ có vài game rồi lặp đi lặp lại. Hầu hết những băng có game chất lượng thì thường là băng ít game: 3 in 1, 4 in 1, 6 in 1,… Có một số ít các băng vài chục một trăm game nhưng cũng khá hay và không bị lặp lại game.

64 in 1

Băng điện tử 64 in 1

Yêu nhau cho đến bây giờ vẫn yêu 🔗

Ngồi nghịch mấy ngày cũng ra được một đống trò quen mặt hồi ấy. Ngại nhất là cái khoản tổng hợp với liệt kê này vì nó sẽ rất dài. Nhưng đằng nào cũng đã lỡ viết rồi, với lại không điểm danh hết ra thì cũng không thấy thỏa mãn. Game NES nói chung là nhiều nhiều lắm, thôi thì sau đây cố gắng kể tên ra khoảng vài trăm trò thôi:

Mà thôi đùa đấy, gặp trò nào thì điểm danh trò đấy, được bao nhiêu thì được:

1. Super Mario Bros

Đặt cái game này ở đầu vì nó nổi, quá nổi. Ai cũng biết đến Mario hay trò ăn nấm. Ngày xưa chơi nhiều đến mức thuộc hết các màn, thuộc cả vị trí quái, vị trí nấm. Khi mà biết đến cái trò nhảy màn 1 -> 4 -> 8 rồi thì chơi càng nhanh, lúc nào buồn thì lôi ra phá đảo cho vui.

Super Mario Bros

Super Mario Bros

Super Mario Bros 2 và 3 thì ít được biết đến hơn, ý là so với Super Mario Bros, chứ 2 game này vẫn thuộc hàng best-selling của NES. Thực ra thì 2 game này bán chạy hơn và hay hơn so với Super Mario Bros. Nhưng mà ngày xưa ở Việt Nam thì cái Super Mario Bros dễ kiếm trong các băng điện tử hơn 2 cái kia nên được biết nhiều hơn. Super Mario Bros 3 hồi đấy còn gọi là Mario mèo, là 1 game rất hay.

Super Mario Bros 2

Super Mario Bros 2

Super Mario Bros 3

Super Mario Bros 3

2. Mario Bros.

Biết đến qua băng 64 trò với tên Pipeline, Mario Bros đầu tiên xuất hiện trên hệ arcade. Game không xoay quanh việc Mario đi cứu công chúa Peach mà là việc hai anh thợ sửa ống nước Mario và Luigi ngăn chặn các sinh vật chui vào ống nước của thành phố.

Mario Bros

3. Contra

Hoành tráng mà nói thì “bắn Contra” thuở đấy cũng hấp dẫn không kém cạnh sau này rủ nhau “bắn Háp-lai hay bắn Xê-ét”. Lúc bé chưa biết gì còn chả thèm đọc tên game, cứ nghe gọi “Con cha, con cha” nghe mà cứ tưởng nội dung game là hai cha con cầm súng đi chiến đấu. Ngoài ra đây cũng là game đầu tiên giúp biết đến cái gọi là Konami Code, mọi người truyền tai nhau lúc mới vào cứ bấm loạn xạ “lên lên xuống trái phải trái phải B A” là được 30 mạng tha hồ chơi. Vậy là từ bé đã cheat nhiệt tình, “sometimes to win you’ve got to sin”.

Contra

Contra

Super Contra

Phiên bản Super C

Contra Force

Contra Force với gameplay độc đáo cho phép lựa chọn class nhân vật

4. Battle City

Game “bắn tăng” đơn giản dễ chơi nhưng không dễ trúng thưởng, khá vui khi có bạn bè co-op cùng, dù hồi xưa chắc chưa biết co-op là cái gì đâu, đơn giản là có người ngồi bấm cùng để hò hét ấy mà. Hệ thống xây dựng màn chơi cũng là một điểm cộng lớn cho game, ngày ấy thích nhất xây toàn tường đã quanh con đại bàng thế là khỏi lo bảo vệ, xong rồi dùng các tile khác để ghép thành chữ hay hình gì đấy.

Battle City

5. Duck Hunt

Trò bắn vịt khá hay và lúc chơi thì trông khá là nguy hiểm vì phải có phụ kiện đi kèm là khẩu súng NES zapper. Mà thực ra ngày xưa máy mua hàng second-hand thế nên chẳng có súng kèm theo, nhà lại không có điều kiện nên đành nhịn, lâu lâu gặp ai có thì chơi ké. Thế nên mỗi lần thấy tên game ở trong băng là thấy hơi buồn vì bật lên chỉ có thể ngắm chú chó gật gù thôi.

Duck Hunt

6. Double Dragon

Game đánh nhau đi màn khá hay. Đặc biệt thích cách chơi của Double Dragon 3, mỗi màn chơi là một căn phòng riêng biệt.

Double Dragon

Double Dragon

Double Dragon 2

Double Dragon 2

Double Dragon 3

Double Dragon 3

7. Kunio-Kun no Nekketsu Soccer League

Cái tên dài loằng ngoằng và khó đọc ở trên thuở xưa được gọi thân mật là “Đá bóng chưởng”, một game rất vui nhộn để chơi cùng bạn bè. Game có đồ họa phong cách manga cực hài hước cùng với cách chơi thú vị do có các yếu tố như địa hình sân, thời tiết ảnh hưởng tới trận đấu bóng; những cú sút độc đáo có một không hai như “bóng quả chuối”, “bóng đỏ”, “bóng gấp khúc”,… những pha chặt chém không thương tiếc và hàng loạt động tác ăn mừng vui mắt.

Cho đến mãi sau này mới biết được rằng, Kunio-Kun bao gồm hẳn một series nhiều game khác nhau với nội dung về thể thao và oánh nhau trong trường học, dù chưa được chơi game nào khác ngoài “đá bóng chưởng”. Ngoài ra thì hãng sản xuất series Kunio-Kun cũng chính là hãng sản xuất series Double Dragon.

Kunio-Kun Goal 3

Đá bóng chưởng

Kunio-Kun 2

Bóng chuyền hoặc gì đó đại loại thế

Kunio-Kun 3

Bóng rổ

Kunio-Kun 4

Chạy

Kunio-Kun 5

Oánh nhau

Kunio-Kun 6

Hockey

8. Donkey Kong

Một series game kinh điển của Nintendo, nơi mà nhân vật game nổi tiếng nhất mọi thời đại - Mario được lần đầu xuất hiện (với cái tên jump-man) cùng người tình đầu tiên Pauline. Cá nhân mà nói thì chơi thích nhất là bản Donkey Kong Jr., trong game này người chơi đóng vai chú kong nhỏ đu qua đu lại để leo lên cứu cha bị nhốt trong lồng, còn Mario đóng vai kẻ xấu.

Donkey Kong

Donkey Kong

Donkey Kong Jr.

Donkey Kong Jr.

Donkey Kong 3

Donkey Kong 3

9. Megaman

Lại một series game kinh điển khác nhưng là của Capcom. Hơn nữa đây còn là một series game khổng lồ với hơn 120 tựa game trong series (ở tất cả các hệ máy). Đối với thời “điện tử bốn nút” thì đây là series rất đáng để chơi bởi đồ họa và nhạc nền đều rất tốt, hơn nữa cách chơi lại thú vị khi mà Megaman có thể chọn thứ tự màn chơi và sử dụng năng lực của các con trùm đã tiêu diệt để giúp ích cho những màn chơi sau.

Megaman

Megaman 1-6. Nguồn: Wikipedia

10. Teenager Mutant Ninja Turtles

Game của Konami dựa trên TV Series và truyện cùng tên, được biết đến với tên gọi “Ninja Rùa”. Là một game hành động đi màn khá hay, Ninja Rùa hồi đấy rất nổi bật khi nằm trong một băng điện tử ít trò mà mình chơi đầu tiên khi tiếp xúc với NES.

Ninja Rùa 1

Teenage Mutant Ninja Turtles

Ninja Rùa 2

Teenage Mutant Ninja Turtles: The Arcade Game

Ninja Rùa 3

Teenage Mutant Ninja Turtles III: The Manhattan Project

11. The Legend of Kage

Đang tiện đà nói về Ninja thì kể luôn một mạch các thể loại trò về ninja cho nó máu. Tiếp theo Ninja Rùa là một trò được nhiều người biết đến với cái tên gọi thân thương “Ninja cứu mẹ”. Trên thực tế thì người mà nhân vật Kage cần đi cứu không phải là mẹ mà là …vợ. Chính xác thì cũng không phải là vợ mà đó là cô công chúa Kirihime, nhưng dù thế nào thì đó cũng là một cô gái trẻ chứ không phải một bà mẹ! Tội nghiệp cô công chúa khi xuất hiện đầu game trong bộ kimono thùng thình, dáng đi lù đù và với đồ họa 8-bit thì cô đã bị hiểu lầm là …mẹ.

Ninja cứu mẹ

The Legend of Kage

12. Ninja Gaiden

Trò chơi cũng được gọi tên với cái tên “Ninja báo thù” nhưng mà là trên hệ máy bốn nút (khác với trò Ninja báo thù nổi tiếng Tenchu trên Playstation), và nội dung thì đúng là về một chàng ninja tên Ryu trên con đường đi báo thù cho cha mình. Đến bây giờ vẫn có rất nhiều người chơi những phiên bản sau của tựa game này trên các hệ máy khác.

Ninja Gaiden 1

Ninja Gaiden 1

Ninja Gaiden 2

Ninja Gaiden 2 - The Dark Sword of Chaos

Ninja Gaiden 3

Ninja Gaiden 3 - The Ancient Ship of Doom

13. Ninja Kun

Trò ninja với hình ảnh nhân vật tròn vo ngộ nghĩnh. Vẫn nhớ ở bản Ninja JaJaMaru-kun, khi đầu game lão chột thả quái xuống thì cứ có tiếng “Bùm tặc, bùm tặc, bùm tặc” nghe rất dị.

Ninja kun

Ninja kun

Ninja JaJaMaru-kun

Ninja JaJaMaru-kun

14. Kyatto Ninden Teyandee

Ninja Cat

Hay còn được gọi là "Ninja mèo"

15. Circus Charlie

Ngày xưa chơi trò này thấy tương đối khó nhằn và nhiều lúc khá là ức chế.

Circus Charlie

16. Excitebike

Game đua xe máy vượt chướng ngại vật quá fun để chơi, hồi đấy còn gọi là “Đua xe bốc đầu”. Rất thích vì còn có thể xây trường đua với các chướng ngại vật theo ý muốn.

Excitebike

Đua xe bốc đầu

17. Tetris

Chắc chẳng có ai lạ gì trò Xếp hình nên khỏi phải giới thiệu. Mỗi khi chơi lại được nghe giai điệu nhạc Nga rất hay.

Xếp hình

18. Pacman

Lại thêm một game kinh điển đến mức khỏi phải nói cũng biết nữa. Ngày xưa chơi chỉ thấy tiếng của Pacman khi ăn mấy cái chấm nghe ngộ ngộ.

Pacman

19. Dr.Mario

Còn gọi là trò “Xếp thuốc”, game có nhạc hay và có mấy con virus nhảy nhảy nhìn buồn cười. Ngoài chơi trên NES thì máy tính hồi còn dùng MSDOS cũng có trò này nên chơi mãi.

Xếp thuốc

20. Pinball

Vốn là một game arcade nổi tiếng. Mỗi lần chơi Pinball thì chỉ biết nháy loạn các nút để 2 cái cần gạt gạt liên tục vì sợ quả bóng rơi xuống đập không kịp! Trò này còn có màn Bonus có Mario chạy chạy hứng hứng nhìn buồn cười.

Pinball

21. Gomoku Narabe

Hồi đấy chơi thật sự là hâm đến mức chả hiểu trò này là trò gì luôn, còn cứ phức tạp hóa vấn đề tưởng là cờ vây, căn bản nó toàn chữ Trung Quốc. Mãi về sau mới phát hiện ra một sự thật phũ phàng đó là trò này đơn giản chỉ là …cờ caro.

Gomoku

22. Mahjong

Hình như họ hàng với cái trên, trò này liệt kê ra cũng chỉ vì quen mặt chứ hồi xưa có bật lên cũng chả chơi được tí nào. Game mạt chược toàn tiếng thịt kho Tàu, nói chung là chả hiểu gì.

Mahjong

23. Lunar Pool

Trò đánh bi-a trông xấu xấu, buồn buồn. Đã thế lại còn khó điều khiển nữa nên không thích lắm. Đặc biệt ở mỗi chỗ có nhiều kiểu bàn bi-a trông cực dị.

Lunar Pool

24. Side Pocket

Chơi trò bi-a này mới sướng, trông hình ảnh và cách chơi thật hơn trò ở trên.

Side Pocket

25. Tennis

Một game thể thao hay và đáng chơi của hệ NES, chơi trò này suốt.

Tennis

26. Soccer

Game bóng đá nhìn rất sơ khai nhưng hồi đấy có game như thế này để chơi là cả một niềm vui rồi. Nhìn hình ảnh rê bóng, sút bóng, bắt bóng,… trong game rất buồn cười, thậm chí đôi khi còn rê thẳng được vào lưới đối phương. Nhưng mà cái mà hồi xưa thấy buồn cười nhất là cứ hết hiệp 1 lại có đội cổ vũ chạy ra giữa sân nhảy múa nhìn vui vui.

Soccer

27. Baseball

Vì ngày xưa thì chả hiểu quái gì về luật bóng chày cả, thế nên nếu có chơi thì cứ bấm bừa. Nói chung khi ném thì chỉ cần cố để ném được, còn khi đánh thì cố để thấy chữ HOMERUN.

Baseball

28. Double Dribbles

Double Dribbles

Trò bóng rổ

29. Volleyball

Volleyball

Bóng chuyền

30. Smash Ping Pong

Smash Ping Pong

Bóng bàn

31. Golf

Trò đánh golf, hồi xưa chơi trò này nhiều do ảnh hưởng của việc đọc truyện “Tân Teppi”. Thích chọn player 2 vì màu quần áo nhìn nổi hơn. Nhân vật thì được tạo hình trên cảm hứng từ Mario, sau này thì có hẳn 1 game mà Mario thật đi đánh golf là NES Open Tournament Golf, tuy nhiên chưa chơi cái đấy bao giờ.

Golf

32. Track and Field

Game thì đấu Olympic với 6 môn thi. Chơi cùng bạn bè đua nhau đạt điểm cao rất vui.

Track and Field

33. F-1 Race

Trò đua xe công thức 1, một trong những trò đầu tiên được chơi trên NES.

F1 Race

34. Formula One: Built to Win

Sau đó thì chơi trò này, nhìn thì có vẻ sida hơn trò ở trên.

F1 Built to Win

35. Road Fighter

Cơ mà cái trò nhìn có vẻ dở hơi này mới là trò đua xe hồi bé chơi nhiều nhất. Chơi khá khó, đặc biệt là khi gặp những đoạn đường hẹp còn tí tẹo, có ổ gà, hay xuất hiện những cái xe cứ muốn ghẹ vào mình.

Road Fighter

36. City Connection

Còn trò này thì chả hiểu gì mấy, lúc chơi chỉ cần biết là điều khiển cái xe chạy tô trắng hết đường từ nơi này sang nơi khác, cố gắng tránh cảnh sát và …những con mèo nằm trên đường. Khi bị đâm thì xe nổ thành hình trái tim nhìn ultra gay, được cái nghe nhạc cũng khá hay.

City Connection

37. Adventure Island

Chơi đầu tiên là cái bản 1, hồi đấy mọi người gọi là “Mario Tàu” vì nó là thể loại platform, chơi tựa tựa Mario và khi mới bật lên thì có cái tên game bằng chữ Tàu to đùng đoàng. Game này hay, cái bản 1 không hiêu sao nhìn màu sắc cứ đậm đậm buồn buồn nhìn không thích lắm, mấy bản sau thì màu sắc nhìn tươi sáng hơn, lại còn được cưỡi khủng long.

Adventure Island

Adventure Island

Adventure Island 2

Adventure Island 2

Adventure Island 3

Adventure Island 3

Adventure Island 4

Adventure Island 4

38. Tiny Toon Adventures

Tự đánh giá là một trong những game platformer hay và đáng chơi nhất của điện tử bốn nút. Bản 2 thì chưa chơi được mấy chứ bản 1 thì chơi đi chơi lại rất nhiều lần rồi.

Tiny Toon Adventures

Tiny Toon Adventures

Tiny Toon Adventures 2: Trouble in Wackyland

Tiny Toon Adventures 2: Trouble in Wackyland

39. Chip ‘n Dale Rescue Rangers

Chẳng biết có phải do có 2 nhân vật là Chip và Dale hay không nhưng mà game đặc biệt thích hợp và vui khi có 2 người chơi cùng nhau.

Chip ‘n Dale Rescue Rangers

Chip 'n Dale Rescue Rangers

Chip ‘n Dale Rescue Rangers 2

Chip 'n Dale Rescue Rangers 2

40. Jackie Chan’s Action Kung Fu

Hay gọi ngắn là trò “Giắc-ki chan”, game chơi cũng khó phết. Còn có bản mod hình nhân vật chính thành Mario đi đánh nhau trông khá bựa.

Jackie Chan

Jackie Chan

Jackie Mario

DAFUQ?

41. The Three-Eyed One

“Cậu bé ba mắt” cũng là một game mà ngày xưa nhiều đứa thích chơi. Có cái trò bắn nuôi đồng xu cho nó to lên rồi ăn vui phết.

The Three-Eyed One

42. Little Nemo: The Dream Master

Chưa chơi game này nhiều nhưng cảm xúc chung hồi bé khi thấy là khá dị. Mới đầu game đã có cảnh thằng bé nhảy lên giường trùm chăn, nhìn chỉ muốn đi ngủ. Xong trong game thì toàn đi ném kẹo, cho thú nó ăn rồi chui vào bụng khoác con thú bên ngoài. Cũng tạm hiêu nội dung game là trong giấc mơ của thằng bé. Cơ mà cái bựa nhất là việc một lần thấy có game tên là Pokemon Silver, xong vào chơi thì thấy đấy chính là game này mỗi tội thằng bé nhân vật bị mod thành hình con Sandshrew, mà thực ra còn chả được đẹp thế, trông như con khỉ gì ấy.

Little Nemo: The Dream Master

Little Nemo: The Dream Master

Little Pokemon: The Fake Master

And poke... wait wut?

43. Monster in My Pocket

Không phải là Pocket Monster (Pokemon) mà là Monster in My Pocket. Lúc vào game thì có 2 cái mặt to đùng để chọn, 1 là mặt con Vampire, 2 là mặt một con trông giống Frankenstein.

Monster in My Pocket

44. Super Arabian

Arabian

Gọi là trò Alibaba, có cái nhạc nghe rất là Ả rập.

45. Nuts and Milk

Trò này được cái nhìn cute, chơi cũng tạm.

Nuts and Milk

46. Karateka

Trái ngược với trò ở trên, trò này từ âm thanh đến hình ảnh lẫn cách chơi đều gợi lên một cảm giác nặng nề, buồn tẻ, hoặc có thể cũng chỉ là cảm giác cá nhân. Lúc chưa biết chơi thì cứ chạy ra là auto chết rồi thua, lúc biết chơi rồi thì cũng đánh mãi chưa thắng.

Karateka

47. Kung-Fu

Tên ghi trong băng 64 trò là “SpartanX”. Hồi đấy hay gọi trò này là trò “Ờ pu! Ờ pu!” vì mỗi khi nhân vật đấm đã đều tạo ra cái âm thanh nghe như thế! Trò này hay.

Kung-Fu

48. Yie Ar Kung Fu

Trò Kung Fu này cũng được gọi là “À pu!”, hình như tất cả những nhân vật đánh kung fu đều kêu thế thì phải(?). Tuy nhiên đây là một game dạng đối kháng với thiết kế vui vẻ hài hước, nhất là khi các nhân vật bị hạ sẽ nằm vật ra, hai chân chổng lên trời giật giật.

Yie Ar Kung Fu

49. Ice Climber

Khi nào không có trò nào khác chơi thì mình hay chơi trò này. Chơi hai người rất vui, nhất là trò đẩy, ghẹ nhau rơi xuống hoặc “kéo hình” nhau. Không thì chơi một mình cũng vui. Tùy theo thắng hay thua mà ở bảng điểm cuối game nhân vật sẽ đứng khóc hu hu hoặc cười phởn.

Ice Climber

50. TwinBee

Trò này thì không hiểu sao chơi một mình cứ thấy chán chán, với lại cũng khó. Giống cái trò Cậu bé ba mắt ở điểm cũng bắn để nuôi đồ ăn. Cái miếng hình tam giác kia hồi xưa gọi là miếng pho-mát, cứ bắn cho nó đổi màu rồi ăn thì sẽ được các loại armor khác nhau, chơi hai người đôi khi còn ăn tranh của nhau.

TwinBee

51. Antarctica

Game nói về chú chim cánh cụt cứ chạy qua chạy lại các nước, việc của người chơi là điều khiển chú chim cánh cụt nhảy tránh các cái hố, tránh hải cẩu, ăn cá và ăn cờ. Mỗi khi mà thấy bóng dáng cái nhà ở xa xa là rất vui. Xong gần đến thì hết giờ…

Antarctica

52. Front Line

Ngày xưa gọi là trò “Bộ đội cụ Hồ”, cơ mà nhìn mấy thằng lính giống lính Tàu hơn, lại còn có cái dáng đi lắc lắc chân rất chi là củ bựa. Trò này cũng rất vui khi có 2 người chơi với nhau, lúc chơi thì mình thích thả lựu hơn là dùng súng bắn.

Front Line

53. Gradius

Game bắn máy bay kinh điển và còn được gặp trong rất nhiều các băng điện tử. Nghe đâu đây là trò đầu tiên có Konami code vì trong lúc test game khó chơi quá nên developer thêm vào cho sướng.

Gradius

54. Metroid

Giống như nhiều người, mình cũng không ngờ rằng nhân vật trong game này là nữ. Thậm chí theo con mắt trẻ thơ hồi đấy thì cái hình 8-bit chạy chạy bắn bắn kia có cái đầu giống con sư tử hơn là mặc đồ phi hành.

Metroid

55. Popeye

Với trẻ con ngày xưa thì chàng thủy thủ “Pa-pai” chắc không có gì xa lạ. Giống như trong phim hoạt hình, Pa-pai trong game cứ ăn rau chân vịt lên là “đấm phát chết luôn” đồng chí “Pờ-lu-tô” to xác. Còn lúc không có rau thì cứ phải chạy trốn rồi nhặt mấy cái trái tim mà “Ô-li-vơ” thả xuống.

Popeye

56. Pro Wrestling

Game đấu vật này chơi với bạn cũng vui. Chơi trò này thì hầu như toàn đứng gần mấy cái dây xung quanh võ đài, đợi nó lại gần thì bật vào đấy rồi bật ra đấm phát. Xong có cái hạt nhấp nháy bay ra ăn được thì sẽ lên đồng giở tuyệt chiêu ra đánh.

Pro Wrestling

57. Rush’n Attack

Trò này còn gọi là “Rambo xiên” hay “Cảnh sát đặc nhiệm”, chơi hay phết.

Rush’n Attack

58. Balloon Fight

Bay bay đập vào bóng bay của mấy con chim (hoặc trông giống thế) cho nó nổ rồi rơi xuống. Chẳng may mà bay là là gần mặt biển có con cá nhảy lên đớp nhìn rất hay.

Balloon Fight

59. Gun.Smoke

Gun.Smoke

"Cao bồi miền Tây" hay "Xê-ríp"

60. Iron Tank

Iron Tank

Trò này mình không chơi nhiều vì không thấy thích lắm

61. Darkwing Duck

Lúc bé mình gọi là “Chiếc áo choàng đen” (Theo cách gọi của phim hoạt hình) hay “Vịt bóng đêm” gì gì đó. Trò này có gameplay chơi rất thích, hình cũng đẹp nữa. Ngày xưa còn có cái quyển Vịt Donald song ngữ thế nên nhìn nhân vật trong mấy game như này hoặc game Duck Tales ở dưới thấy quen thuộc và thích chơi.

Darkwing

62. Duck Tales

Duck Tales

Duck Tales

Duck Tales 2

Duck Tales 2

63. Guerilla Wars

Hóa ra trò này nói về Che Guevara và Fidel Castro, nhưng thật sự thì who care. Tất cả những gì cần biết là nó là trò bắn súng giống contra và nhìn hình ảnh thì rất giống với Iron Tank.

Guerilla Wars

64. Gun-nac

Gun-nac

Với mình ngày bé thì hầu hết các trò bắn máy bay đều giống nhau cả

65. Jackal

Nhiều người thích trò “Bắn xe Jeep” này, mình thì không thích lắm vì nhìn hơi đau mắt, dù nó chơi cũng hay.

Jackal

66. Karnov

Trò này hồi xưa mình thích chơi vãi, dù hình ảnh nhìn cũng đau mắt nhưng gameplay thì tuyệt vời. Hình như có gọi là rồng gì gì đấy mà không nhớ. À mà có một con trùm trong game này trông giống rồng Namek trong Dragon Ball nữa thì phải.

Karnov

67. Pooyan

Trò bắn bóng bay cho mấy con cá sấu nó rụng. Hài nhất đoạn đầu game có cảnh bị con cá sấu đuổi, xong rồi đuổi lại con cá sấu. Game này hình ảnh, âm thanh tươi sáng, rất thích hợp để thư giãn.

Pooyan

68. Mappy

Nhạc của trò này nghe không thấy vui cho lắm nhưng không hiểu sao cứ thích nghe.

Mappy

69. Lode Runner

Trò xây dựng này chơi hay, mấy thằng địch thủ nhìn giống Bombermen, mà thực ra chúng nó đúng là phiên bản đầu của Bombermen.

Lode Runner

Lode Runner

Lode Runner 2

Lode Runner 2

70. Wrecking Crew

Cơ mà mình thích trò Mario xây dựng này hơn.

Wrecking Crew

71. B Wing

B Wing

Chọn cánh để đi bắn

72. Goonies

Trò này hồi xưa cũng hay chơi này, nhưng mà chơi khó. Phải đi tìm cái chìa khóa để qua màn.

Goonies

73. Bubble Bobble

Bubble Bobble

Tính mình thì thích mấy trò nhẹ nhàng tươi sáng như này vì chơi nó thư giãn

74. Bomberman

Trò này thì kinh điển rồi, ghét nhất là mấy “con đồng xu”. Lỡ may đặt bom trúng cái cửa là coi như mệt.

Bomberman

75. Q*bert

Q*bert

Trò hại não này hồi xưa bật lên xong ra vì không muốn nghĩ

76. Mickey Mousecapade

Mickey Mousecapade

Chuột Mickey và Minnie

77. Mortal Kombat

Còn gọi là “Rồng đen”, ngày xưa chơi không hiểu sao cứ thích chọn Liu Kang hoặc Kung Lao.

Rồng đen

78. Street Fighters

Quái lạ thật, không tìm thấy dấu vết cái rom Street Fighter nào trên NES, chỉ có một trò gọi là “Master Fighter” trông có vẻ không đúng lắm. Trong khi mình nhớ rõ ràng thì ngày xưa Street Fighter là một trong những trò bốn nút đầu tiên mình chơi, hình ảnh nhìn cũng khá đẹp và rất hay chọn Blanka.

Street Fighter where are you

79. King of Fighters

King of Fighter

King of Fighters

80. Super Galaxy

Super Galaxy

Chỉ có hai chữ: "Bắn ruồi"

Kể ra cũng đã khá nhiều
Thôi không kể nữa, liêu xiêu mất rồi!
🔗

Nói chung là cũng còn nhiều trò do không nhớ, không biết hoặc đơn giản là …không thích kể. Đến đây thì mệt rồi nên tạm dừng, với lại số thứ tự cũng đang đẹp. Để sau này lúc nào nhớ được hay nghe mọi người nhắc, và quan trọng nhất là có thời gian thì sẽ bổ sung sau.

Comments

    Do you want to comment as Anonymous or Sign in with Google?