Cái tên Artifact thu hút được rất nhiều sự quan tâm trong thời gian qua bởi nó là cột mốc đánh dấu cho sự lấn sân của Valve sang thể loại card game vốn luôn được yêu thích, tuy nhiên thực sự nở rộ trở lại trong mấy năm gần đây. Bên cạnh đó còn bởi nó là sự mở rộng cho thế giới của Dota 2.
Chẳng thế mà ngay ngày đầu tiên ra mắt, Artifact đã có một số lượng người chơi đáng nể và dễ dàng trở thành Top Selling trên Steam. Ngoài ra thì cũng có khá nhiều những player chuyên nghiệp ở các tựa game bài khác như Magic the Gathering, Hearthstone hay Gwent tỏ ra hứng thú với Artifact.
Thế nhưng Artifact cũng lại là tựa game gây tranh cãi bậc nhất của Valve với số lượng positive và negative review gần như ngang nhau. Vậy đâu là vấn đề?
🃏 Artifact có gameplay chậm và phức tạp? 🔗
Đây là điểm mà mình muốn biện hộ cho Artifact. Có lẽ vẻ bề ngoài (đánh trên 3 lane cùng một lúc) đã khiến nhiều người hiểu nhầm về gameplay và độ phức tạp của Artifact. Gameplay của Artifact không hề phức tạp như nhiều người vẫn nghĩ, thực tế thì nó còn vô cùng đơn giản.
Nói chung thì Artifact là một dạng Dota theo lượt đúng nghĩa. So sánh khập khiễng một chút thì mình thấy chơi Artifact cũng giống như chơi cờ vây vậy. Khá dễ để nắm bắt luật chơi cơ bản, nhưng lại khó để có thể chơi tốt. Người chơi cũng cần tập trung hơn vào thế cục toàn trận thay vì chỉ nghĩ đến sự tồn vong của một hai quân bài. Nhịp độ trận đấu theo mình nghĩ là khá ổn và tùy thuộc vào playstyle của người chơi.
Nhưng xét cho cùng thì tất cả những hiểu lầm này đều từ Valve ra khi mà:
🤷 Không có Open Beta 🔗
Chẳng biết có phải quá tự tin vào mối liên kết của Artifact với Dota 2, sự độc đáo trong design của Richard Garfield,… hay không mà Valve lại quyết định không mở open beta. Ngay cả closed beta cũng diễn ra hết sức ngắn ngủi (1 tuần trước khi game ra mắt). Điều này khiến cho những người như mình, vốn ban đầu rất hào hứng, cũng dần cảm thấy mơ hồ và nảy sinh nhiều thắc mắc về game khi gần đến ngày phát hành.
Thường thì một game thiên về hành động kiểu Dota 2 thì sẽ dễ dàng lôi cuốn khán giả hơn dù họ mới chỉ được xem (giống như ở TI1). Nhưng với một game bài, mà lại còn là một game với lối chơi mới lạ như thế này thì dù có bao lời giới thiệu hay preview stream đi nữa cũng khó lòng khiến cộng đồng cảm thấy hứng thú, và chỉ càng khiến họ khó hiểu nếu họ chưa được trải nghiệm trực tiếp. Hơn nữa hầu hết lỗi lầm cũng dễ được bỏ qua hơn khi trải qua giai đoạn open beta, một game trực tiếp release sẽ dễ gây hụt hẫng khi mà expectation lên quá cao.
💉 Mô hình hút máu 🔗
Thứ khiến nhiều người bức xúc nhất chính là hệ thống monetization của Artifact. Pay to play hay Pay to pay là những mĩ từ đẹp đẽ mà người ta dùng để gọi hệ thống này, nó bao gồm:
Giá khởi điểm 20$
Dù hầu hết các game bài lớn hiện nay đều là Free-to-play thì theo mình mức giá khởi điểm của Artifact vẫn hợp lý. Coi như bạn sẽ phải trả entry fee để sở hữu game và bộ bài đầu tiên của mình. Mức giá này cũng sẽ giúp giảm bớt (chút chút thôi) những người không thực sự hứng thú với game mà chỉ tạt qua để nghịch thử.
Mô hình kinh tế của một game bài “thực”
Sau khi mua game, bạn không có cách nào để kiếm thêm bài ngoài việc bỏ 💰 tiền. Bạn có thể mua các pack hoặc mua từng lá bài lẻ ở trên market, nơi mà những người chơi tự buôn bán với nhau và Valve thu một lượng phần trăm kha khá 💸. Một cách khác là bạn phải chơi ⚔ competitive mode và đương nhiên là cũng cần phải bỏ tiền mua 🎟 ticket cho mỗi lượt chơi.
Đừng quá lo lắng! Nếu may mắn mở được 1 card hiếm, bạn có thể bán đi với giá cao và dùng số tiền đó để build 1 bộ bài theo ý thích ở mức giá thấp hơn.
Xét cho cùng thì Artifact hoạt động giống như một game bài ở ngoài đời thực. Bạn muốn chơi? Bạn bỏ tiền mua bộ bài. Bạn muốn có thêm bài? Bạn bỏ tiền mua bài mới. Bạn muốn tham gia thi đấu để nhận giải thưởng? Bạn bỏ tiền mua vé tham dự.
Có một số tính toán chứng minh rằng, để sở hữu một bộ bài tốt ở Artifact, bạn phải chi trả ít hơn ở các game bài khác. Nhưng. Khác biệt giữa thực và ảo dẫn đến việc một game bài ảo thì không bao giờ nên sử dụng hệ thống kinh tế y hệt một game bài thực cả.
Cụ thể là ở game bài thật, bạn mua và thật sự sở hữu những quân bài, về mặt vật chất. Kể cả khi bạn không chơi nữa, thì những quân bài đó tồn tại với bạn như một thứ tài sản mang tính sưu tập và kỉ niệm. Còn ở game bài ảo, bạn chỉ bỏ tiền để mua những dữ liệu ảo. Bạn không thật sự sở hữu chúng và bản thân chúng có thể bị thay đổi bất cứ lúc nào. Xa xôi hơn, mặc dù khả năng có rất rất thấp đi chăng nữa nhưng hoàn toàn có thể vào một ngày đẹp trời, tựa game đóng cửa và mang theo tất cả những gì bạn đầu tư, mãi mãi.
Có thể bạn thuộc nhóm không quan tâm và nói rằng điều này là vớ vẩn, nhưng đó là một sự thật luôn tồn tại và ảnh hưởng đến tâm lý của khá nhiều người. Vậy nên, các game bài ảo luôn phải tạo ra một cơ chế reward để người chơi cảm thấy thỏa mãn hơn. Thường thì người chơi sẽ có khả năng cày để nhận thêm bài hoặc một dạng in-game currency khác có thể quy đổi. Thực tế mà nói thì việc cày thường tốn nhiều công sức và 90% phần thưởng là rác, nhưng người chơi vẫn vui vẻ hơn là không có gì.
Mindset chung của phần lớn người dùng là họ muốn thưởng thức free trước, sau đó sẵn sàng bỏ (nhiều) tiền để nhận thêm lợi ích, hơn là bị ép phải trả tiền. Nói tóm lại hãy để việc bỏ tiền túi ra là một lựa chọn. Chẳng ai muốn có cảm giác dù nhấc một ngón tay lên cũng phải trả tiền cả. Đó là một trải nghiệm vô cùng tệ hại.
Tấm gương sáng giá nhất chính là người anh em của Artifact - Dota 2. Dù game không hề bắt player phải trả xu nào khi chơi, nhưng họ vẫn sẵn sàng bỏ cả ngàn dollar ra để mua cosmetic items, battle pass với ý nghĩa ủng hộ game và có thêm những bonus thú vị.
🧩 Ra mắt ở trạng thái chưa hoàn thiện 🔗
Và cho dù bạn có dễ dãi đến đâu đối với hệ thống kiếm tiền của game, thì một điều khác không thể chấp nhận được đó là game được phát hành trong khi còn thiếu quá nhiều tính năng cơ bản để hoàn thiện trải nghiệm cho người chơi.
- Chưa có profile: Người chơi có cảm giác như mình không có định danh trong game mà chỉ là một tay chơi bài vãng lai, không thể biết được mình chơi bao nhiêu trận, với ai, quân bài ưa thích, win rate,…
- Chưa có các tính năng social: Bên cạnh profile thì cũng chưa có các kênh chat bên ngoài (nút chat sẽ bật steam chat lên) và cách thức giao tiếp trong game (theo mình thì khi chơi chỉ nên send emote thôi chứ không nên có chat). Chưa thể add bạn bè trực tiếp trong game và xem những hoạt động của họ.
- Chưa thể watch được game của bạn bè hay xem replay: Thiếu sót cực lớn với game của Valve nói riêng. Đây cũng là một tính năng quan trọng giúp người chơi học game một cách tốt nhất.
- Không thể trade với bạn bè: Một Trading card game nhưng lại không có tính năng trade. 🤣 Có vẻ như Valve muốn ngăn chặn sự tồn tại của một thị trường tự phát bên ngoài Steam market.
- Chưa có cảm giác về progression: Gameplay thì rất hay rồi, tuy nhiên với những thiếu sót về tính năng (match history, stats) và hệ thống monetization không cho phép bạn nhận pack/bài thông qua việc chơi casual, bạn sẽ cảm thấy mỗi trận bài trôi qua khá là nhạt nhẽo. Mình hoàn toàn không có cảm giác gì sau khi hoàn thành 2 tutorial lúc đầu game cũng như chơi mode casual. Game hiện tại giống như một hệ thống test khả năng build deck hơn là một game bài hoàn chỉnh.
I think that first is that a game needs a sense of accomplishment. Shigeru Miyamoto
Artifact tại thời điểm phát hành chính thức mình có thể nói không quá rằng, về tính năng còn thua kém cả Dota 2 lúc early beta hậu TI1. Nhưng Dota 2 có lợi thế rất lớn về gameplay nên chỉ cần nhảy vào trận đấu được và have fun là người chơi sẵn lòng bỏ qua những thiếu sót. Còn những thiếu sót của Artifact thì lại khiến người ta cảm giác dễ chán nản với nó hơn.
Nói chung có thể tóm gọn game trong lúc này ở hai chữ “trần trụi”. Tuy nhiên nếu nhìn nhận theo cách lạc quan thì chỉ cần fix được một vài điều ở trên thôi là game đã dễ dàng phát triển mạnh mẽ rồi. Hi vọng điều đó sẽ xảy ra. 🤞
Comments